Hoàng Quyên “mang thanh âm rạng ngời, mang mật ngọt cho đời”

Hoàng Quyên kể hành trình âm nhạc đậm bản sắc qua album thứ 4.

Album A Diary of Melody của Quyên là một phần của dự án nghệ thuật Quyên Gallery No. 1, một chặng đường nghệ thuật bắt đầu từ 2021 cho tới hiện tại, và sẽ còn tiếp diễn tới tương lai. Tìm tòi một hình thức giao thoa nghệ thuật mới, Quyên Gallery No. 1 đưa tới một trải nghiệm đa giác quan kết hợp giữa âm nhạc (album) và hội họa (triển lãm nghệ thuật). Đây là một bước đi táo bạo nhưng lại phù hợp cho định hướng nghệ thuật của Hoàng Quyên, cũng như phản ánh được sự đầu tư nghiêm túc của cô và ê-kíp trong tư duy “nghệ thuật vị nghệ thuật” – điều đang mất dần trong nhịp sống của thời đại.

 

Hoàng Quyên "mang thanh âm rạng ngời, mang mật ngọt cho đời" - 1

 

Ca sĩ Hoàng Quyên

Cho thấy hướng tiếp cận vào phân khúc khách hàng cao cấp, “Nhật Ký Bằng Giai Điệu” của Quyên được kể  với đội ngũ làm âm thanh và hình ảnh hùng hậu. Sự chuyên chú và đề cao vào chất lượng của mỗi sản phẩm âm nhạc từ Hoàng Quyên khiến người viết (và khán giả của Quyên) luôn có tâm thế phải chuẩn bị một “nghi thức” từ bản thân, buông bỏ định kiến và tạm gác những suy tư qua một bên, để lãng mạn và hồn nhiên chìm đắm vào nội tâm, nghĩ suy, câu chuyện của Quyên một cách đúng nghĩa nhất. Cái “lịch sự” của tôi với âm nhạc của Quyên trước nay vẫn thế: Cầm ly rượu nốc cạn cũng là uống, nhưng với thứ rượu được chưng cất này thì phải đúng không gian, khoảnh khắc, nhiệt độ, tinh thần và điểm chạm, thì mới đủ để gọi là tận hưởng. Nó là gạch nối – người phục vụ có tâm, thì người tiếp nhận cũng phải có tầm.

Có thể thấy ngay, Sóng Hấp Dẫn của Hoàng Quyên là một trường năng lượng hiện hữu, đã tạo nên mạch nguồn giao thoa của dự án. Ê-kíp âm nhạc quốc tế có Tim Vander, Thanh Bùi, Benjamin James, The Circle band; bên hình ảnh có Tào Linh, Vũ Ðình Tuấn, Nguyễn Mạnh Thắng, Nguyễn Trần Cường, Ðỗ Hiệp, Lê Ðăng Ninh. Nghệ sĩ với nghệ sĩ luôn có sự tương thông, tôn trọng tư tưởng và xúc cảm, nhưng để có thể cộng hưởng thì lại đòi hỏi một cấp bậc cao hơn nữa. Tôi cho rằng chính sự thuần khiết và chân thành trong góc nhìn, cũng như sự kiên định và cầu thị trong hướng đi của Quyên đã làm nên tương thích và hòa quyện này. Nó đan kết lên một nhóm nghệ sĩ làm nghệ thuật – không lấp liếm, thỏa hiệp hay dễ dãi – để cùng cất lên một tiếng nói chung. Họ không kinh doanh cảm giác văn minh hay rao bán vỏ bọc đẳng cấp / Họ chia sẻ giá trị cốt lõi – điều hiếm trong một thị trường nghệ thuật còn non trẻ so với thế giới.

Bản thân tôi là một người làm nghệ thuật mang tính thực tiễn, nên phải đánh giá trước như vậy, tôi mới có thể chìm vào câu chuyện của họ.

Câu chuyện bắt đầu với một hình ảnh cô độc “Ngày mưa trời buồn / Quảng trường rộng lắm / Em trên lối một mình” (The Square). Thủ pháp tam cú gợi cảnh và gợi cảm mang hơi hướng Haiku này được Quyên sử dụng khá nhiều cho các bài hát sau đó, nhưng mỗi lần trở lại với một tâm thế khác: “Lời trái tim em / Lời gió ru đêm / Lời anh yêu em” (Ngày Vụt Nhanh Trên Chuyến Đi Cùng Anh) hay đoạn kết “Ngày xa xôi / Mờ chân trời / Ngày đông rơi sương lạnh” (Colours).  Những câu chuyện kể về tình yêu, cuộc sống, sự mất mát, nỗi nhớ, niềm đau, câu nguyện ước, niềm tin; bên cạnh những trăn trở về thời gian, không gian, mục đích; cho tới sự tự quán chiếu suy nghĩ và buông bỏ chấp niệm để mở lòng, tái sinh.

Hoàng Quyên "mang thanh âm rạng ngời, mang mật ngọt cho đời" - 2

Album được phát hành dưới dạng đĩa sơn mài

Nghe liền mạch 8 bài hát theo thứ tự được đặt để, tôi cảm nhận ngay được những sự tương quan đang được gửi gắm. Bằng giọng hát và giai điệu tự thân, Hoàng Quyên vẽ nên chặng đường cô đã đi qua trong cuộc đời, từ một cô gái đơn độc bước đi đến những vấp ngã, đổ vỡ, để làm lại với niềm tin mới, với những màu sắc mới từ những nhân dạng mới, nhưng vẫn giữ một khoảng lặng riêng mình.

Tính hội họa trong âm thanh và ngôn ngữ của Quyên cũng mang nét tương đồng và lý giải cho sức hút của cô với các nhà họa sĩ để kiến tạo nên triển lãm nghệ thuật Quyên Gallery. Có thể thấy, Quyên và những người bạn đồng hành dù đi những con đường song song vẫn có những điểm chạm để thăng hoa, nhưng luôn độc lập để không hòa lẫn vào cá tính của nhau.

Về kết cấu, album chia mạch nhạc từ tĩnh sang động, trở lại tĩnh rồi quay về động khá logic, như một câu chuyện dài được kể với biên độ cảm xúc rộng. Điều này phản ánh xuyên suốt từ giai điệu tới cách hát – có những lúc giai điệu trôi rất đều đặn, rồi lại chợt vút lên và rớt xuống đột ngột, buộc tôi phải chú ý. Điểm yếu của cách viết và hát này là nó cần một sự thấu hiểu để cảm nhận và trân trọng, vì những tai nghe thờ ơ sẽ không đủ kiên nhẫn để không chen vào với định kiến cá nhân.

Hoàng Quyên "mang thanh âm rạng ngời, mang mật ngọt cho đời" - 3

Hoàng Quyên ra mắt triển lãm nghệ thuật mang tên Quyên Galery

Tôi nghĩ sự đón nhận sẽ tùy vào cảm quan của mỗi người; và quan trọng hơn, nó tùy vào vị trí mà bạn đang đứng trên chặng đường cuộc đời của mình. Có những tâm tình trong The SquareThe Balcony bạn sẽ rất đồng cảm; hoặc cũng có thể bạn sẽ tìm thấy sự thấu hiểu ở Ngày Vụt Nhanh Trên Chuyến Đi Cùng AnhShe hay Life/Ngược lại, có người sẽ đắm đuối với sự chìm của Xin Cho Hôm Nay Trôi Đi; và có người lại lấp lánh với cảm xúc của Bốn Mùa Để Yêu và Colours.

Âm nhạc ở đây không mới. Ngoài cách thức làm dự án mới mẻ, album không có bất cứ sự thử nghiệm nào trong chất liệu âm nhạc, và cá nhân tôi nghĩ thì điều đó cũng không cần thiết. Không cần thử nghiệm để kể chuyện, chỉ cần dùng những giá trị đã được chắt lọc và ấp ủ, Quyên sẽ truyền tải được tâm hồn của mình một cách nguyên bản và trọn vẹn nhất. Còn đợi gì hơn thế!

Điểm sáng trong cách làm nhạc ở đây tới từ sự cộng hưởng của tiền kỳ và hậu kỳ, để ca-nhạc sĩ, ban nhạc, và nhà sản xuất mang đến một album phòng thu nhưng chứa đựng trải nghiệm âm nhạc live band. Điều này nên được hiện thực hóa trên một sân khấu live. Có lẽ sẽ là tiền đề hợp lý cho một live concert hoặc tour diễn vào 2024 mang dấu ấn Hoàng Quyên? Còn ngay tại lúc này, tuy không có trên tay một trong 100 bản album vật lý giới hạn với chất liệu sơn mài, hay cũng chưa từng được trải nghiệm không gian nghệ thuật trưng bày và sắp đặt của Quyên Gallery, tôi vẫn có thể chìm lại vào câu chuyện của Quyên khi nghe “Nhật Ký Bằng Giai Điệu” của Quyên trên các nền tảng nghe nhạc trực tuyến.

Cảm nhận ở thời điểm này, Hoàng Quyên hoàn toàn làm chủ sứ mệnh “mang thanh âm rạng ngời, mang mật ngọt cho đời” với giọng hát chín mọng, ngát hương và tròn vị, đã và đang thuyết phục những tai nghe và mắt nhìn không dễ dãi. Có bền thì mới có lâu, và có sâu thì mới có say. Hãy cứ tiếp tục đặt những bước đi khẳng định, nhưng giữ một tâm thế nhẹ nhàng, vì sự chiết xuất sẽ luôn là sức mạnh lôi cuốn, ẩn tàng.

Nguồn: Thanh Niên