Hoàng Quyên triển lãm “căn phòng riêng” tự sáng tác
Quyên Gallery và A Diary of Melody là câu chuyện nghệ thuật mà Hoàng Quyên “mở lòng” cho mọi người bước vào và thưởng lãm.
Thưởng lãm Quyên Gallery và lắng nghe A Diary of Melody – album mới do tự Hoàng Quyên sáng tác dễ khiến người ta liên tưởng đến những “căn phòng riêng” – thế giới tâm hồn và con đường nghệ thuật của một người nghệ sĩ.
Ở ngưỡng cửa bước vào, dù có đôi chút hiểu biết về người nghệ sĩ đó nhưng ta khó mà đoán được tác phẩm mới mà họ sửa soạn mang đến là gì?
Bước vào Quyên Gallery là bước vào phòng “trưng bày tâm hồn” của Hoàng Quyên. Phải là phòng trưng bày bởi nó là nơi để tôn vinh cái đẹp của nghệ thuật, điều mà Hoàng Quyên đã và luôn theo đuổi.
Ý niệm “căn phòng riêng” của Hoàng Quyên
Sau 10 năm, Hoàng Quyên đã trở-thành-chính-mình, như khi cô viết và hát “một ngày em nhận ra sống là thấu hiểu bản thân ta, bay lên cao trong bản tình ca.” Và đây cũng là thời điểm thích hợp nhất, Quyên trưng bày tâm hồn mình và công chúng bước vào thưởng lãm.
Mỗi người đều có một “căn phòng riêng”, nơi họ trình diễn với bản thể của chính mình không một chút nghi ngại hay ngượng ngùng, mà trái lại, thành thật và trọn vẹn. Trong khi đa số chúng ta cố gắng che giấu “căn phòng riêng” đó thì những người nghệ sĩ tiên phong lại chọn cách làm giàu có và chia sẻ với mọi người.
Với Fyodor Dostoevsky, “căn phòng riêng” là một tầng hầm ẩm mốc, nơi tối tăm và đầy đơn độc. Nhưng chỉ trong căn phòng đó ông mới trở nên hiện sinh và viết nên áng văn chương Hồi ký viết dưới hầm đầy suy nghiệm. Nhà văn nữ Virginia Woolf tạo ra Căn phòng của riêng ta; còn với nhà văn James Baldwin là Căn phòng của Giovanni. Nữ nhà văn Pháp gốc Việt Linda Lê luôn ám ảnh với Phòng 406, trong khi đó nhà văn Bỉ Jean-Philippe Toussaint, căn phòng riêng và đặc biệt nhất lại là Buồng tắm.
Không chỉ nhà văn mới nói về những “căn phòng riêng của tâm hồn”. Bất cứ ai cầm bút (và cọ vẽ) rồi sẽ ít nhất một lần mô tả căn phòng tâm hồn của riêng mình. Nó có thể mang hình ảnh cụ thể hoặc trừu tượng; rộng lớn hoặc chật hẹp, sáng và tối, hạnh phúc hoặc cô đơn… nhưng luôn nơi chốn người nghệ sĩ chân thật nhất.
Sở dĩ phải nói rõ về “ý niệm” căn-phòng-riêng-của-tâm-hồn ở người nghệ sĩ để thấy rằng, đó là nơi họ xác lập một phạm vi và không gian cho những bay bổng sáng tạo. Có lẽ ý niệm về “căn phòng riêng” chưa từng tồn tại khi chúng nghe nhạc của Hoàng Quyên trước đây. Không phải cô chỉ hát “nhạc đặt bài” của nhạc sĩ khác, hay chưa thực hành nghệ thuật (vẽ tranh, sắp đặt…) và mở triển lãm hội hoạ. Đừng hiểu nhầm, Hoàng Quyên luôn là một trong những nghệ sĩ tài năng nhất trong thế hệ của cô và đến tận bây giờ. Giọng hát và thẩm mỹ của cô khiến nhiều người yêu nhạc trân trọng.
Căn cước sáng tạo và hướng tới nghệ thuật vị nghệ thuật
Tuy nhiên, để gọi đúng con người nghệ sĩ của Hoàng Quyên như thế nào, hẳn sẽ không dễ trước khi triển lãm và album mới của cô được thai nghén và ra đời. Phải đến Quyên Gallery và A Diary of Melody khán giả mới thực sự diễnđạtvà thoảmãn. Hoàng Quyên được tự do làm bất cứ điều gì trong nghệ thuật, từ viết nhạc, sản xuất, sắp đặt, trưng bày. Những chủ đề rộng lớn như cuộc đời, tình yêu, nghệ thuật… cùng với tự sự riêng mang, được Hoàng Quyên đưa vào âm nhạc, điềm tĩnh và quyện hoà.
Ra mắt album mới tự sáng tác kèm với triển lãm nghệ thuật, nhưng “căn cước” của Hoàng Quyên, từ khởi đầu và sau cùng chính là âm nhạc. Ở thế giới đó, Hoàng Quyên đã kiến tạo nên những mảng màu và cá tính, thẩm mỹ riêng. Cô từng có nhiều năm “nhập vai” để thể hiện hiện nhiều nhân vật, câu chuyện bằng chính giọng hát trầm lôi cuốn, cao vút mê say.
Từ Rét Đầu Mùa cho đến Sóng Hấp Dẫn, Quyên có sự phát triển nhưng nó nằm ở lối hát, kỹ thuật và định hình rõ rệt về thiên hướng nghệ thuật. Dù là mang nét dân gian, hay pop ballad, blue jazz hay là electronica, người hâm mộ đều tìm thấy vẻ đẹp trong cách từng sản phẩm mà cô thực hiện.
Ở A Diary of Melody đã rất khác và mang bản sắc riêng Hoàng Quyên.
A Diary of Melody có hai nhân tố quan trọng: diary (nhật ký) và melody (giai điệu.) Nó cũng cho thấy hai mã nhận biết, một là những bài hát được viết dưới dạng nhật ký; và hai, chúng được ghi lại bằng âm thanh. Vì thế album gợi ý một cách thưởng thức và lắng nghe khác, không phải là nơi chốn ồn ào nhưng là trong những không gian thân thuộc, nơi khán giả có thể ngồi xuống và tư lự lắng nghe.
Vì thế, A Diary of Melody giống như tự truyện. Khán giả không thể “đọc” hay nghe một lần mà có thể thấy ngấm. Khán giả chỉ bắt đầu yêu nó sau khi lần dở từng chương một, lắng nghe từng bài hát, hơn một lần. Nó cũng không hẳn được “thiết kế” để làm người ta yêu thích nhưng rồi sẽ yêu khi đã đủ thấm; và để cùng lắng nghe và đồng cảm trong một khoảnh khắc nào đó để tỉnh thức và tái sinh.
Album cũng có sự đối lập giữa không gian rộng lớn, rộn rã như giữa quảng trường (The Square) hoặc riêng tư hơn như ban công (The Balcony.) Nó cũng cho thấy những đại lượng thời gian được kéo dãn, từ Ngày vụt nhanh trên chuyến đi cùng anh cho đến Bốn mùa để yêu rồi một đời (Life.)
Một cơn gió, một giọt nắng và toàn bộ sắc màu (Colors, song ca với Thanh Bùi) đều trở thành chất liệu rất đỗi dịu dàng và suy tư khi cô viết ra và hát lên. Dù mỗi bài hát là một chủ đề nhưng nó lại tạo ra được một câu chuyện, nơi một cô gái đang trở thành phụ nữ, nhận ra “bí mật” tuyệt vời của cuộc sống và tận hưởng, ngân nga.
Hành trình 10 năm
Trước Quyên Gallery và A Diary of Melody, Hoàng Quyên từng làm việc với những nhạc sĩ và nhà sản xuất âm nhạc hàng đầu Việt Nam, từ Lê Minh Sơn đến Đỗ Bảo, Võ Thiện Thanh, Thanh Bùi… Có thể gọi đó là những cuộc gặp gỡ trong âm nhạc, cũng như những trò chuyện với nghệ thuật. Hoàng Quyên dường như chỉ làm việc với những “gạo cội”, như thể tâm hồn của cô có thể hiểu, cảm và hoà hợp với cái gì đó thật trưởng thành và sâu sắc. Nhưng chính từ những cuộc gặp gỡ này, Hoàng Quyên đã tích tụ “vật liệu” để tạo ra thanh âm và câu chuyện của riêng mình.
Vì thế, với những người yêu thích Hoàng Quyên, hẳn họ sẽ tìm thấy được sự thân thuộc trong album này. Và họ cũng sẽ nhận ra thứ “vật liệu” để tạo nên sự kế thừa và phát triển ở đĩa nhạc A Diary of Melody. Bốn mùa để yêu dù là một bản ballad nhẹ nhàng nhưng trong cách hát người nghe có thể trở về với cái không khí của Cửa thơm mùi nắng và gần 1 thập kỷ riêng của chính Quyên; hay sự trong trẻo, đáng yêu và hân hoan trong She khiến ta nghĩ ngày đến Đỗ Bảo, là một nhạc sĩ yêu thích và từng làm việc với Hoàng Quyên.
Hoàng Quyên cho thấy ngoài giọng hát (bản năng nội lực và luyện tập) thì có còn làm giàu thêm về mặt ngôn ngữ (là thi ca với việc viết lời, và giai điệu về mặt âm nhạc.) Điều này cho thấy Hoàng Quyên là một nghệ sĩ không muốn đứng yên, mà luôn chuyển động. Và nó cũng cho thấy, không ai kể câu chuyện hay và thành thực của Hoàng Quyên ngoài chính cô.
Dù là làm việc với ai, hát ca khúc của nhạc sĩ nào hay của chính mình, Hoàng Quyên vẫn cứ làm nghệ thuật đẹp. Trong thế hệ của Hoàng Quyên và sau này, ít có người hát hay, hát đẹp được như cô. Nhưng khi Hoàng Quyên chuyển qua sáng tác và hát những ca khúc của mình, đó thực sự là một “cuộc chơi âm nhạc của chính cô.” Nó cũng là dấu hiệu cho thấy, sauhành trình 10năm “cửa thơm” Hoàng Quyên đã và đang rực rỡ ánh nắng, dịu ngọt và trưởng thành, nhiều màu sắc, nhiều thanh âm, và nhiều tiếng lòng đồng cảm trong đó.